Kiến trúc Nhà thờ Hồi giáo Süleymaniye

Ngoại thất

Mặt tiền phía Bắc với tiền sảnh và đài phun nước trung tâm

Giống như các nhà thờ Hồi giáo khác ở Istanbul, lối vào nhà thờ Hồi giáo dẫn vào một sân trước với một đài phun nước ở trung tâm. Sân của nhà thờ rất hoành tráng với hàng cột bao quanh được làm bằng đá cẩm thạch, granitPocfia. Mặt tiền phía tây bắc của nhà thờ Hồi giáo được trang trí các lỗ cửa sổ hình chữ nhật bằng gốm sứ Iznik.[8] Đây là tòa nhà đầu tiên sử dụng gốm Iznik có màu đỏ cà chua rực rỡ được tráng men.[9]

Ở bốn góc của sân là bốn ngọn tháp giáo đường. Ở hai tháp cao hơn là nơi có ba tầng ban công và cao lên đến 63,8 m (209 ft) không bao gồm chóp tháp, 76 m (249 ft) nếu tính cả chóp tháp. Hai tháp nhỏ hơn có chiều cao 56 m (184 ft). Bốn tháp giáo đường tương ứng với việc Suleiman là sultan thứ tư của đế quốc Ottoman, với tổng cộng 10 tầng ban công, theo truyền thống chỉ ra rằng Suleiman I là vị sultan thứ 10 của triều đại Ottoman.[10] Mái vòm chính cao 53 mét (174 foot) và có đường kính 26,5 mét (86,9 foot), chính xác bằng nửa chiều cao.[11] Vào thời điểm nó được xây dựng, đó là mái vòm cao nhất trong đế quốc Ottoman khi được đo từ mực nước biển, nhưng vẫn thấp hơn từ sàn của nó và đường kính cũng nhỏ hơn so với Hagia Sophia. Có một số lý do đằng sau bốn ngọn tháp của nhà thờ Hồi giáo Suleymaniye. Vào thời điểm đó, nếu người dân thường xây dựng một nhà thờ Hồi giáo, họ chỉ có thể xây một tháp giáo đường. Nếu một hoàng tử hoặc công chúa xây dựng một nhà thờ Hồi giáo có thể được làm hai ngọn tháp. Chỉ có quốc vương mới có thể xây dựng một nhà thờ bốn ngọn tháp. Gần nhà thờ Hồi giáo có một không gian rộng mở. Trong mùa hè, các gia đình đến đây và dành thời gian để thư giãn và giải trí. Ở phía tây của nhà thờ Hồi giáo là đền thờ của vua Suleiman và vợ Hurram Sultan.

Nội thất

Bên trong nhà thờ gần như là một cấu trúc hình vuông, dài 59 mét (194 foot) và rộng 58 mét (190 foot) tạo thành một không gian trống duy nhất. Quanh vòm chính là các bán vòm, ở phía bắc và nam là ô trên cửa sổ được hỗ trợ bởi các phiến đá Pocfia khổng lồ. Sinan quyết định thực hiện một sự đổi mới kiến ​​trúc triệt để để dấu các trụ lớn hướng bắc-nam cần thiết để hỗ trợ các cột trụ trung tâm. Ông đã kết hợp các trụ vào tường của nhà thờ, một nửa bên trong và một nửa lồi ra ngoài và sau đó che các phần lồi ra bằng các phòng trưng bày. Có một phòng ở bên trong cấu trúc và một phòng hai tầng bên ngoài.

Trang trí nội thất được hạn chế với các cửa sổ kính màu giới hạn trong bức tường Qibla. Các lát ngói Iznik chỉ được sử dụng xung quanh các hốc tường bán nguyệt Mihrab.[12] Các viên ngói hình chữ nhật lặp đi lặp lại có hoa văn trang trí trên nền trắng, chủ yếu có màu xanh ngọc lam, đỏ và đen nhưng xanh lá không được sử dụng.[13] Ở hai bên của mihrab là những ngói Iznik với vòng tròn thư pháp được lấy từ chương Surah Al-Fatiha của kinh Quran.(1:1–7).[14][15] Mihrab và bục giảng kinh Minbar bằng đá cẩm thạch trắng cũng có thiết kế đơn giản và đồ gỗ sử dụng một cách hạn chế, với các chi tiết đơn giản bằng ngà voi và xà cừ. Nội thất của nhà thờ Hồi giáo được trang trí rất ấn tượng và khung cảnh bên trong của nhà thờ Hồi giáo rất quyến rũ. Các mái vòm bên trong được thiết kế đẹp đến mức chúng thu hút cả khách du lịch và tín đồ. Nhà thờ Hồi giáo là một không gian duy nhất được trang trí nhiều mái vòm.[16] Nó cũng là một trong số các công trình lấy cảm hứng từ Hagia Sophia.[17]